Mô hình nông nghiệp thông minh nhỏ gọn, siêu đơn giản và hiệu quả

NGUYỄN HỒNG CẦN 23/01/2018
mo-hinh-nong-nghiep-thong-minh-nho-gon-sieu-don-gian-va-hieu-qua

Thay vì phương pháp truyền thống, anh Nguyễn Đức Huy (34 tuổi, ngụ đường Lữ Gia, TP Đà Lạt Lâm Đồng) áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh bằng cách tự phát triển hệ thống tưới tiêu, kiểm soát chất lượng cây trồng qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.


Nông nghiệp thông minh Đà Lạt
Anh Huy bên bộ điều khiển thông minh.


Nhận bằng Thạc sĩ Công nghệ sinh học, anh Huy trở về quê nhà Đà Lạt theo đuổi nghề nông. Lứa sản phẩm đầu tiên gần như mất trắng mặc dù Nguyễn Đức Huy vẫn trồng trong nhà kính, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng khép kín.

Thua lỗ lớn nhưng lại giúp anh Huy thu thập được các nguồn vô sinh và hữu sinh trên từng loại cây trồng trong vườn. “Từ đó tôi rút ra kết luận, điều kiện để đi đến thành công của sản xuất rau sạch là phải đưa ra một quy trình kỹ thuật chăm sóc chính xác cho từng loại rau. Dứt khoát phải được thực hiện tự động bằng máy móc chứ không phải sức người”-anh Huy chia sẻ.

Dựa trên những nguồn vô sinh và hữu sinh đã thu thập được, với sự hỗ trợ của người em trai là Nguyễn Tùng Thiện Duy (28 tuổi) không lâu sau đó, người trồng rau tại địa phương ngạc nhiên khi thấy hai anh em Huy, Duy loay hoay kéo cục thu phát sóng wifi ra lắp đặt giữa vườn. Chưa hết ngạc nhiên, hôm sau người ta lại thấy anh Huy ôm một thiết bị kỹ thuật lạ mắt ra gắn ở vườn.


Nông nghiệp thông minh Đà Lạt
Thông qua điện thoại hoặc máy tính, anh Huy sẽ điều chỉnh lượng nước, phân bón và các thông số hợp lý cho cây trồng.


Đó chính là bộ điều khiển do chính anh thiết kế, lặp đặt cùng với một lập trình chứa các thông số nguồn vô sinh và hữu sinh trên cây trồng đã được cài đặt sẵn trên chiếc điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Anh Huy đặt tên cho bộ điều khiển này là “Hệ thống kiểm soát VietPorics”.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống kiểm soát là các cục thu thập dữ liệu được lắp đặt tại vị trí có những loại rau khác nhau trong vườn. Chúng sẽ tự động nhận dữ liệu truyền về bộ điều khiển. Bộ điều khiển này sẽ truyền tất cả các dữ liệu đã thu thập được trên vườn về thiết bị đã được kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua sóng wifi. Trên máy tính và điện thoại của anh Nguyễn Đức Huy, các thông số kỹ thuật để chăm sóc cho từng loại cây trồng đã được lập trình sẵn. Khi các dữ liệu được thu thập trên vườn tải về sẽ tự động đối chiếu với thông số kỹ thuật trên máy tính và điện thoại, từ đó cho ra kết quả chăm sóc cho vườn rau đã chính xác hay chưa.

Thông qua smartphone, anh Huy cũng dễ dàng điều chỉnh các thông số như lượng nước, chất dinh dưỡng,... Vì vậy, nông sản của anh vừa phát triển đúng quy trình, vừa đảm bảo chất lượng và mang lại năng suất cao.


Nông nghiệp thông minh Đà Lạt
Mô hình nông nghiệp thông minh đơn giản này ban đầu cho hiệu suất khá cao.


Anh Huy nói: “Từ khi áp dụng bộ điều khiển này tôi chủ yếu làm việc trực tuyến, công việc nhẹ nhàng mà hiệu quả lại rất lớn”. Các loại cây trồng nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại cây nên đã cho năng suất khá cao. Mỗi cây cà chua beef và ớt ngọt cho từ 6-8kg quả; cà chua picot đạt 8 - 10kg/cây.

Hiện nay bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của anh Nguyễn Đức Huy, khoảng gần 1ha đều được áp dụng hệ thống kiểm soát tự động. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh Nguyễn Đức Huy được kiểm soát an toàn ngay từ khâu sản xuất.

Ông Hoàng Minh Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân phường 9, TP Đà Lạt cho biết, mặc dù mới bước vào nghề nông trong ít năm qua nhưng trước sáng kiến đưa Hệ thống kiểm soát VietPorics vào hoạt động, không chỉ giúp giảm chi phí sức lao động mà còn tăng năng suất, chất lượng.

Theo CAND

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN